Thắng Pháp Abhidhamma
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma
Ngày 12.7.2020
Bài 8
Tục đế
Pháp Âm Link:
http://www.phapluan.net/PhapAm_2020/Thang_7/12-7-2020_ThangPhapAbhidhamma_Bai8_TucDe_TTGiacDang.mp3
Tục đế (sammutisacca) là sự thật theo thường thức đối ngược với chân đế (parmatthasacca) là “sự thật của sự thật”. Chúng ta có nhiều cách gọi một sự vật. Tất cả tên gọi đều là quy ước để nhận hiểu cái thật sự muốn nói. Là ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải là mặt trăng. Nói như vậy không có nghĩa là tục đế không quan trọng. Ngài Revata, một nhà học Phật lỗi lạc, đã nói điều nầy: có bốn yếu tố tác thành một phước sự bố thí là thí chủ, người thọ thí, vật thí và tâm bố thí. Trong bốn yếu tố đó chỉ có tâm bố thí thuộc chân đế còn ba yếu tố đầu thuộc tục đế. Dù nói vậy cả bốn đều quan trọng.
Tục đế sự thật có tánh tương đối vì là quy ước hay chế định (paññatti) thí dụ ngày nay người ta vẫn dùng chữ hoả xa hay xe lửa mặc dù đầu máy không còn dùng than lửa và phun khói như ngày xưa.
Tục đế cũng là sự thật mang tính chủ quan thí dụ khi nói “khí trời mát mẻ” thì trên thực tế nếu so với người từ Việt Nam thì 22 độ C là mát nhưng nhiệt độ có đối với người ở Alaska là nóng.
Thắng pháp Abhidhamma đặc biệt phân tục đế theo hai phương diện: định danh và diễn nghĩa.
Định Danh (Nāmapaññatti)
Định danh là quy ước về tên gọi nói cách khác là ngôn ngữ. Có khi cũng gọi là saddapaññatti nghĩa là quy ước về cách gọi. Có cách gọi có ý nghĩa thật sự hay hữu thực (sāvijjamāna), có cách gọi chỉ là gọi thôi hay vô thực (avijjamāna). Thí dụ khi người ta đặt tên bánh có tên đặt do ý nghĩa như bánh xèo (âm thanh khi làm bánh), bánh tét (để ăn dịp tết). bánh quai chèo (hình giống quai chèo) trong lúc có những tên gọi là gọi mà không có nghĩa gì như bánh bò, bánh nậm..
Trong Thắng Pháp cũng nhấn mạnh ý nghĩa sāvijjamāna có nghĩa là tên gọi chỉ pháp thực tính và avijjamāna chỉ cho danh gọi pháp phi thực tính. Những danh từ kép thì có khi chữ trước và chữ sau không đồng cách.
1. Hữu thực (Sāvijjamāna paññatti) là cách gọi chỉ cho pháp thực tánh. Thí dụ tâm, sắc..
2. Vô thực (Avijjamāna paññatti) là cách gọi chỉ cho pháp phi thực tánh. Thí dụ trọc phú, tiểu thư…
3. Hữu thực vô thực (Vijjāmāna avijjāmāna paññatti) là từ kép chữ trước chỉ cho pháp thực tánh mà chữ sau thì không. Thí dụ: tâm tôi, mùi thơm..
4. Vô thực hữu thực (Avijjāmāna vijjāmāna paññatti) là từ kép chữ trước chỉ cho pháp phi thực tánh mà chữ sau thì chỉ cho thực tánh. Thí dụ: nhập niết bàn, người tạo nghiệp..
5. Hữu thực hữu thực (Vijjāmāna vijjāmāna paññatti) là từ kép mà chữ trước và sau đều thuộc pháp thực tánh. Thí dụ: thuộc tánh trí tuệ, nhãn thức…
6. Vô thực vô thực (Avijjāmāna avijjāmāna paññatti) là từ kép mà chữ trước và sau đều thuộc pháp phi thực tánh. Thí dụ: xe sang, người đẹp …
Diễn nghĩa (Atthapaññatti):
Là ước lệ để chỉ cho ý nghĩa nào đó. Những ý nghĩa nầy đôi khi có vẻ như có giá trị tuyệt đối trong cách hiểu thường thức như kỳ thật chỉ mang tánh tương đối. Không hiểu được điều nầy tạo nên những ngộ nhận to lớn ngay cả đối với người học Phật. Đây là một trong những lãnh vực mà người học Thắng Pháp Abhidhamma không tìm thấy ở Luật Tạng và Kinh Tạng. Có bảy hàm nghĩa mang tánh tương đối của tục đế:
1. Quy ước về hình tướng (Santhānā paññatti) thí dụ như nói biển rộng, sông dài, con kinh, lạch nước. Có khi con sông nhỏ hơn con kinh. Hồ lớn hơn biển ( như Ngũ Đại Hồ so với Nhĩ Hải) hay ở Mỹ có khi boulevard nhỏ hơn street.
2. Quy ước về phức hợp (Samūha paññatti) như gia đình, Tăng già, giáo hội. Những tên gọi như vậy không nói lên lượng hay phẩm nếu không xét nhiều yếu tố khác.
3. Quy ước về chúng sanh (Satta paññatti) như người thượng lưu, mỹ nhân, vua chúa tất cả đều là cách gọi rất tương đối thí dụ như câu “ở xứ mù thằng chột là vua”
4. Quy ước về phương hướng (Disā paññatti) như đông, nam, tây, bắc là những phương vị chỉ có giá trị trên điạ cầu. Ngoài thái không chẳng có đông tây.
5. Quy ước về thời gian (Kāla paññatti) như xuân, hạ, thu, đông hay cách phân chia niên lịch mang giá trị rất tương đối tuỳ vùng miền, tinh cầu..
6. Quy ước về không gian (Ākāsa paññatti) như rộng, hẹp, gần, xa … đều là mang tánh cách đối đãi.
7. Quy ước về biểu tượng (Nimitta paññatti) như tượng Phật, quốc kỳ, cách ký âm… Gọi pho tượng là Phật cũng được mà nói tượng Phật không phải là Phật cũng đúng.
Từ vựng sammutisacca dịch là tục đế có nghĩa là sự thật theo thường thức mang ý nghĩa ngược là với chân đế là sự thật thuộc pháp thực tính. Tất cả pháp tục đế là paññatti có nghĩa là chế định, quy ước.
Không nên quan niệm rằng tục đế hay sự thật theo thường thức là không quan trọng. Ngôn ngữ tuy là ước lệ mang giá trị theo văn hoá, quốc độ, thời gian nhưng là phương tiện chuyển tải những ý nghĩa cao siêu (Văn dĩ tải đạo). Chư Phật Độc Giác tuy tự mình giác ngộ nhưng không đủ ngôn ngữ và khả năng diễn đạt những gì tự thân liễu tri nên không thể hoằng truyền giáo pháp như chư Phật Toàn Giác.
Nho giáo nói về sự “chính danh” có nghĩa là nên có định nghĩa rõ ràng cho danh từ nào đó trước khi biến thành đề tài thảo luận. Thí dụ theo Phật giáo Bắc Truyền thì bồ tát (bodhisattva) là một quả chứng trong lúc Phật giáo Nam Truyền thuật ngữ đó chỉ cho chúng sanh phát tâm cầu giải thoát và đang nỗ lực cho đại nguyện đó. Như vậy thảo luận không nên lấy một ý nghĩa mà áp đặt cho tất cả trường hợp.
Tục đế là sự thật thường thức là những ước lệ để truyền đạt nên mang giá trị tương đối của ngôn ngữ.
Trong cách định danh có cách gọi mang ý nghĩa thực mà cũng có nhiều cách gọi chỉ là gọi nhưng vẫn được chấp nhận.
Trong sự diễn nghĩa thì ngôn ngữ giới hạn bởi phong tục, trình độ hiểu biết, giai đoạn lịch sử.. do vậy phải cẩn trọng và đừng quá cố chấp.
Tục đế trong biểu đồ chư pháp:
Bài học trước là: Hai sự thật
Bài học tiếp theo sẽ là: Chân đế
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 1. Trong Kinh Tạng có câu: "Pháp được Thế Tôn thuyết giảng sơ thiện, trung thiện, hậu thiện; vă nghĩa cụ túc..." phải chăng nói đến "văn nghĩa cụ túc" cho thấy sự quan trọng của tục đế? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Thắng Pháp Abhidhamma sử dụng cả hai ngôn ngữ tục đế và chân đế. Vậy Kinh Tạng cũng sử dụng cả hai hay chỉ tục đế thôi? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Nếu tục đế là sự chế định mang tánh tương đối thì sự tranh luận hai cách gọi "Đức Phật hay Đức Bụt" có cần thiết chăng? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 4. Tất cả ngôn từ đều thuộc chế định. Phật Pháp có dạy về những âm thanh hay từ ngữ gọi là linh chú, huyền ngữ? - TT Pháp Đăng
Thảo luận 4. Tất cả ngôn từ đều thuộc chế định. Phật Pháp có dạy về những âm thanh hay từ ngữ gọi là linh chú, huyền ngữ? - TT Pháp Đăng
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment