Friday, August 14, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 12 - Tâm Ngũ Quan (tiếp theo) - Chủ Nhật, ngày 26 tháng 7, 2020

 Thắng Pháp Abhidhamma

Giảng Sư: TT Giác Đẳng

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma
Ngày 26.7.2020

Bài 12

Tâm Ngũ Quan (tiếp theo)

Pháp Âm Link:

http://www.phapluan.net/PhapAm_2020/Thang_7/26-7-2020_ThangPhapAbhidhamma_TamNguQuan_tieptheo_TTGiacDang.mp3

Để có thể hiểu rõ tại sao ngũ quan hay ngũ song thức sanh khởi do nghiệp; nhận biết năm cảnh một cách nguyên sơ muội lược; tuy vậy đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống người học cần hiểu rõ những yếu tố cần hội đủ để ngũ quan sanh khởi.

Thị giác sanh khởi cần có đủ bốn yếu tố:

a.      Nhãn vật hay thần kinh nhãn (cakkhupasādarūpa).
b.     Cảnh sắc (rūpārammaṇa).
c.      Ánh sáng (āloka).
d.     Sự chú ý (manasikāra) với màu ấy.

Thính giác sanh khởi cần có đủ bốn yếu tố:

a.      Nhĩ vật (soṭapasāda rūpa).
b.     Cảnh thinh (saddārammaṇa)
c.      Khoảng trống (ākāda)
d.     Sự chú ý (manasikāra)

Khứu giác sanh khởi cần có đủ bốn yếu tố:

a.      Tỷ vật hay thần kinh tỷ (ghānapasādarūpa).
b.     Cảnh khí (gandhārammaṇa) .
c.      Gió  (vāyo)
d.     Sự chú ý (manasikāra)

Vị giác sanh khởi cần có đủ bốn yếu tố:

a.      Thiệt vật hay thần kinh thiệt (jīvhāpasādarūpa).
b.     Cảnh vị (rasārammaṇa).
c.      Chất nước (āpo)
d.     Sự chú ý (manasikāṭa)


Xúc giác sanh khởi cần có đủ bốn yếu tố:

a.      Thân vật hay thần kinh thân (kāyapasādarūpa).
b.     Cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa).
c.      Độ cứng mềm (ṭhadda)
d.     Sự chú ý (manasikāra)

Sở dĩ gọi ngũ quan thuộc tâm quả hay tâm tạo thành do nghiệp quá khứ vì năm thần kinh nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân tạo nên do nghiệp thí dụ cũng là mắt để thấy nhưng mắt của loài chó không giống mắt của loài người. Năm cảnh cũng do nghiệp quá khứ thí dụ có người ít khi ăn được thức ăn ngon hay nằm chăn ấm nệm êm dù vẫn muốn có được.

Vì năm giác quan biết năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc trong trạng thái nguyên sơ (chưa thẩm định) một cách trực tiếp (chưa có phản ứng) nên không phức tạp như các tâm xử lý (javana)

Chỉ có năm cảnh tiếp xúc trực tiếp qua ngũ quan thì mới gọi là sắc, thinh, khí, vị, xúc. Một khi trở thành những ấn tượng chuyển qua tâm khác thì trở thành cảnh pháp. Thí dụ hình ảnh cây nở đây hoa trực tiếp thấy đó là cảnh sắc nhưng xe chạy qua rồi nhắc lại thì hình ảnh đó trở thành cảnh pháp.

Cảnh ngũ quá khứ là cụm từ trong Thắng Pháp chỉ cho ấn tượng lưu lại từ sắc tướng, âm thanh, mùi, vị, cảnh xúc đã qua. Cảnh ngũ quá khứ thuộc cảnh pháp.

Nhãn vật hay thần kinh nhãn không phải là con mắt mà là thần kinh thị giác (optic nerve); nhĩ vật hay thần kinh nhĩ không phải là lỗ tai mà là thần kinh thính giác (acoustic nerve); tỷ vật hay thần kinh tỷ không phải là lỗ mũi mà là thần kinh khứu giác (olfactory nerve); thiệt vật hay thần kinh thiệt không phải là lưỡi mà là thần kinh vị giác ( facial nerve); thân vật hay thần kinh thân được mô tả với rất nhiều hệ thần kinh trong cả Thắng pháp cũng như y học ngày nay (…)

Hai người cùng ngữi mùi sầu riêng nhưng một người nhận biết bằng tâm tỷ thức quả thiện vì thấy rất thơm nhưng người kia có thận biết bằng tâm quả bất thiện vì thấy mùi rất hôi thối khó chịu.

Tâm ngũ quan tuy biết cảnh trong hình thức nguyên sơ nhưng là quả của nghiệp quá khứ và có ảnh hưởng lớn sự vui khổ của chúng sanh.

Tâm ngũ quan biết cảnh trực tiếp và biết cảnh thuộc pháp thực
 tướng không qua sự nhồi nặn phản ứng.

Những ấn tượng tồn đọng sau năm giác quan thuộc cảnh pháp trong sáu cảnh.

Ngũ quan gồm quả thiện và quả bất thiện trong biểu đồ chư pháp:



Bài học trước là: Tâm ngũ quan (phan I)
Bài học tiếp theo sẽ là: Các tâm cơ năng




II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Ngũ song thức hay ngũ quan có bị ảnh hưởng bởi thói quen (thường cận y duyên) chăng? - TT Tuệ Siêu

 Thảo luận 2. Người ta có câu "nếu Thượng đế cho bạn trái chanh hãy dùng nó đê pha một ly nước chanh mát để uống". Quả của nghiệp có thể thay đổi từ quả bất thiện sang quả thiện bằng cách "khéo suy nghĩ" chăng? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3. Tại sao mỗi giác quan đều phải thuộc về một trong hai quả thiện hay quả bất thiện mà không có "trung tính" trong lúc thực tế cuộc sống "dường như có như vậy"? - TT Tuệ Siêu 


 III Trắc Nghiệm

1 COMMENT:

  1. Kính thưa TT Giác Đẳng;

    Hình như trong quá trình thay đổi Biểu Đồ sấp xếp đã xảy ra vấn đề:

    Trong phần Sắc thì thiếu xót hàng 3 sắc Đặc Biệt Vicara Rupa

    Con thành tâm tri ân hạnh Pháp thí của Sư và các Sư khác cùng các Phật tử đã và đang góp sức để tạo thuận duyên cho chúng con trong việc tu học.

    Sadhu, Sadhu

    CS Nam Tịnh Hảo

    ReplyDelete

No comments:

Post a Comment