Bài 20
Tâm Thiện Dục Giới Tịnh Hảo: Tâm Đa Nhiệm Nhất Trong Tất Cả Tâm
Có khi người ta đặt tên cho một cái gì đó đơn giản vì đặt tên để mà gọi. Có lẽ đây là trường hợp của tâm thiện dục giới tịnh hảo trong Thắng pháp Abhidhamma. Điều nầy thường không chỉ gây hiểu lầm cho người học mà nhiều người dạy cũng có cách trình bày sai lạc. Những điểm sau đây có thể tạo nên phản cảm cho người mới thoạt nghe nhưng rất cần để nắm vững trước khi đào sâu vào đề tài. Cũng cần nhắc lại là đây là cách trình bày vĩ mô có nhiều điểm khác với cách nói đại loại thường gặp trong Kinh Tạng.
Khi tâm thiện không hẳn là thiện
Trong tôn giáo hay đạo đức người ta dùng chữ thiện để chỉ cho cái gì cao cả, từ mẫn, lợi lạc cho bản thân và tha nhân. Chữ thiện trong trường hợp của tâm thiện dục giới tịnh hảo không hẳn là vậy. Có một thứ tâm rất khéo léo, khôn ngoan nhưng chỉ là sự xuất sắc trong công việc thí dụ tâm trí của một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm. Tâm tư nghiên cứu đó là thứ tâm không nằm trong phiền não tham, sân, si mà chỉ là sự tinh xác của trí tuệ. Theo Thắng Pháp thì tâm nghiên cứu ấy là thứ tâm thiện dục giới tịnh hảo mặc dù có thể là sự nghiên cứu chế tạo bom đạn, vũ khí… Trong cách nói đại loại thì thiện nghiệp là một quá trình mà từ động lực ban đầu cho đến kết quả sau cùng đều nhất quán là “lợi mình, lợi người hay lợi cả hai”. Trong lúc theo cách nói vĩ mô của Thắng Pháp thì thiện bao gồm cả những điều tốt lành, khôn khéo, lành mạnh, cho quả an lạc. Sự tuyệt luân của các bộ óc khoa học là thể hiện của tâm thiện dục giới tịnh hảo nhưng không hẳn là hành động thiện để mang lại lợi lạc cho bản thân hay nhân loại.
Khi tâm dục giới không hẳn là dục giới
Gọi là tâm dục giới người học có thể hiểu là tâm nầy chỉ có trong cõi dục giới. Kỳ thật trong cả 30 “cõi hữu tâm” (tức là ngoài cõi vô tưởng) đều có tâm thiện dục giới tịnh hảo. Hơn thế nữa trong đời sống bình thường của chư vị phạm thiên cõi sắc hay vô sắc nếu không nhập thiền thì phần lớn là xử lý cảnh bằng tâm thiện dục giới tịnh hảo. Như vậy đối với hầu hết chúng sanh trong tam giới không phải là bậc A la hán thì đều dùng tâm thiện dục giới tịnh hảo để tương tác với cảnh nếu không có phiền não. Chính vì sự đa nhiệm phổ cập nầy nên còn được gọi là Tâm Đại Thiện (Mahàkusalacitta)
Đã gọi là tâm thiện tại sao cần phải thêm là tịnh hảo?
Câu trả lời rất đơn giản: Bởi vì có nhiều tâm tịnh hảo không là tâm thiện như tâm quả dục giới tịnh hảo, tâm duy tác dục giới tịnh hảo. Ngài Tịnh Sự dich chữ sobhana là tâm tịnh hảo, Hoà thượng Thích Minh Châu dịch là tâm tịnh quang, dịch giả Phạm Kim Khánh dịch là những thức “tâm đẹp”. Hiểu đơn giản là những thứ tâm “dục giới” đi chung với hai hoặc ba căn thiện (vô tham, vô sân, vô si). Tâm Ứng Cúng Sanh Tiếu không được kể vào tâm tịnh hảo vì không đi với các căn thiện (….)
Ba căn thiện và các tâm tịnh hảo
Như đã đề cập trước đây những tâm tốt và xấu quyết định bởi sự kết hợp với sáu cội rễ: tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si. Tâm Tịnh Hảo Dục Giới là tâm có hai hoặc ba căn: vô tham, vô sân, vô si.
Căn vô tham khiến cho tâm không dính mắc như cái máy được chế tạo thế nào “không bị kẹt”
Căn vô sân khiến cho tâm không nóng nảy như cái máy được chế tạo thế nào “không bị nóng khiến cháy máy”
Căn vô si khiến cho tâm không bị rối như cái máy được chế tạo thế nào “không hoạt động ngoài dự liệu”
Trong các căn bất thiện thì căn si luôn luôn có mặt trong tất cả tâm bất thiện. Trái lại trong các căn thiện thì căn vô si có khi có khi không. Trong các căn bất thiện thì căn tham và căn sân không bao giờ có thể đi chung, trái lại đối với các căn thiện thì vô tham, vô sân luôn luôn đi chung và có mặt trong tất cả tâm tịnh hảo.
Tám thứ tâm thiện dục giới tịnh hảo
Ba yếu tố tạo nên nhiều thứ tâm thiện dục giới tịnh hảo là:
Phấn khích hay bình thản (somanassasahagataṃ, upekkhāsahagataṃ)
Có trí tuệ hay không đi với trí tuệ (ñāṇasampayuttaṃ, ñāṇavippayuttaṃ)
Có tác động hay không có tác động (asaṅkhārikam, sasaṅkhārikam)
Từ ba yếu tố trên tạo nên tám thứ tâm thiện dục giới tịnh hảo:
1. Tâm đại thiện thọ hỷ hợp trí vô trợ (somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikam) là tâm tốt có sự phấn khích, có hiểu biết và phát khởi mau lẹ
2. Tâm đại thiện thọ hỷ hợp trí hữu trợ (somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikam) ) là tâm tốt có sự phấn khích, có hiểu biết và phát khởi chậm hay có thúc giục
3. Tâm đại thiện thọ hỷ ly trí vô trợ (somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikam) là tâm tốt có sự phấn khích, không có sắc xảo và phát khởi mau lẹ
4. Tâm đại thiện thọ hỷ ly trí hữu trợ (somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikam) là tâm tốt có sự phấn khích, không có sắc xảo và phát khởi chậm hay có thúc giục
5. Tâm đại thiện thọ xả hợp trí vô trợ (upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikam) ) là tâm tốt với trạng thái bình thản, có hiểu biết và phát khởi mau lẹ
6. Tâm đại thiện thọ xả hợp trí hữu trợ (upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikam) là tâm tốt với trạng thái bình thản, có hiểu biết và phát khởi chậm hay có thúc giục.
7. Tâm đại thiện thọ xả ly trí vô trợ (upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikam) là tâm tốt với trạng thái bình thản, không có sắc xảo và phát khởi mau lẹ
8. Tâm đại thiện thọ xả ly trí hữu trợ (upekkhāsahagataṃñāṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikam) là tâm tốt với trạng thái bình thản, không có sắc xảo và phát khởi chậm hay có thúc giục
Chữ kusala thường được dịch là “thiện” trong Tam Tạng Pàli bao hàm năm nghĩa: Vô bệnh (ārogya), tốt đẹp (sudaraṭṭa), khéo léo (cheka), vô tội (anavajja), tạo quả lạc (sukhavipāka). Trong cách nói vĩ mô thì sự khéo léo, tinh xảo như một người thợ khéo làm sản phẩm gì đó là tâm kusala (tâm thiện) nhưng không mang ý nghĩa “hiền thiện” theo cách nói bình thường.
Đa số các vị giảng sư nói về 8 tâm đại thiện thường giảng là tâm làm mười phước hạnh: 1) Bố thí (dāna), 2) Trì-giới (rakkhiṭasīla), 3) Tu tâm (bhāvanā), 4) Cung-kỉnh (apacāyana), 5) Phụng sự (veyyāvacca), 6) Hồi-hướng phước (paṭṭidāna), 7) Tùy-hỷ-phước (paṭṭānumodāna), 8) Thính-pháp (dhammassavana), 9) Thuyết-pháp (dhammadesanā), 10) Chấn-chỉnh kiến-thức (diṭṭhujukamma). Nên hiểu mười phước hạnh được làm bởi tâm đại thiện nhưng tâm đại thiện KHÔNG CHỈ LÀM CHỪNG ĐÓ mà rộng lớn hơn nhiều.
Trong những quốc gia phát triển sự quản trị vận hành các công ty thường có hiệu suất rất cao. Phải “làm đúng” thì mới phát triển thí dụ phải cắt đặt người có tài vào đúng vị trí mới phát huy được tài năng. Đôi khi chữ “đúng” không nằm trong ý nghĩa của luân lý đạo đức mà thuần tuý là là đúng cách. Chữ “thiện – kusala” ở đây cũng cần hiểu như vậy.
Tâm đại thiện dục giới tịnh hảo là tên gọi rất dễ bị hiểu lầm
Tâm đại thiện dục giới tịnh hảo là thứ tâm xử dụng bởi rất nhiều chúng sanh trong đời sống hằng ngày kể cả chư vị phạm thiên sắc giới và vô sắc giới.
Sự kết hợp giữa ba căn thiện (vô tham, vô sân, vô si) rất khác với sự kết hợp của ba căn bất thiện (tham, sân, si) là điều mà người học cần lưu ý.
TÂM THIỆN DỤC GIỚI trong biểu đồ chư pháp:
Tám tâm thiện dục giới tịnh hảo:
Bài học trước là: Tâm Si
Bài học tiếp theo sẽ là: Tâm Quả Dục Giới Tịnh Hảo
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành Thảo luận 1. Những người làm việc thiện một cách vụng về thì có gọi là làm với tâm thiện chăng? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Sự suy nghĩ chính chắn khi làm gì có gọi là tâm hữu trợ? tạo quả lành ít hơn là làm mà không cần suy nghĩ? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Tại sao trong Thắng pháp, trí tuệ hay căn vô si luôn luôn đi với tâm thiện nhưng trong Kinh Tạng thì đề cập tới ác tuệ hay liệt tuệ? - TT Tuệ Siêu
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment