Friday, August 14, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 17 Tâm Tham - Thứ Năm, ngày 13 tháng 8, 2020

 Thắng Pháp Abhidhamma

Giảng Sư: TT Giác Đẳng
Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma NGÀY  13/8/2020 

Bài 17

 Tâm Tham 


Pháp Âm Link:

http://www.phapluan.net/PhapAm_2020/Thang_8/13-8-2020_ThangPhapAbhidhamma_Bai17TamTham_TTGiacDang.mp3

Tâm tham – lobhacitta – trong Phật học đặc biệt là trong Thắng Pháp Abhidhamma là một thuật ngữ thường được hiểu tương đối hời hợt. Trong đời sống bình thường chữ “tham” chỉ cho sự ham muốn quá đáng, quá độ. Thí dụ người ta cho mình một nhưng vì quá muốn nên tìm cách xin thêm. Trong Phật học đó chỉ là một biểu tỏ thô tháo. Ham muốn chừng mực cũng là tham. Một ý niệm dính mắc cái gì đó cũng là tham. Sự tự hào cũng là nằm trong tâm tham. Sự chấp giữ tư kiến sai lạc cũng nằm trong tâm tham.

 Ngược lại có những khía cạnh người đời nghĩ là tham ái nhưng lại không nằm trong tâm tham. Nhận biết cái đẹp qua ngũ quan không phải là tham. Khi Đức Phật nghe càn thát bà Pancasikkha đàn hát Ngài dạy rằng: Này Pancasikha, huyền âm của Ngươi khéo hòa điệu với giọng ca của Ngươi, và giọng ca của Ngươi khéo hòa điệu với huyền âm của Ngươi. Này Pancasikha, do vậy huyền âm của Ngươi không thêm mầu sắc cho giọng ca, hay giọng ca của Ngươi không thêm màu sắc cho huyền âm của Ngươi. Lời dạy của Đức Phật thuần tuý dựa trên sự thẩm âm nhưng không có dính mắc của tâm tham. Cảm giác hân hoan đối với cảnh theo Thắng Pháp đơn thuần là thọ hỷ không hẳn chỉ có trong tâm tham mà còn có trong tâm vô nhân, tâm tịnh hảo …Một điểm tế nhị khác là chữ “mạn” trong tâm tham có nghĩa là sự so sánh giữa bản thân và người khác dù là cao hơn, ngang bằng, hoặc thấp hơn là một thuộc tánh bất thiện trong tâm tham nhưng khi một người có lập tâm chỉ thân cận với người bằng mình hoặc hơn mình trên trình độ tu dưỡng thì không gọi là mạn mà là một thứ tâm thiện.

 Ba yếu tố tạo nên nhiều thứ tâm tham

 Thắng Pháp Abhidhamma dạy có tám thứ tâm tham tạo nên bởi ba yếu tố:

a.      Phấn khích hay bình đạm. Thí dụ lần đầu ăn được món lạ rất ngon với tâm rất vui (thọ hỷ) nhưng sau nầy được ăn nhiều thì vẫn muốn ăn nhưng tâm bình thản (thọ xã)

b.     Đi chung với tà kiến hay không đi chung với tà kiến. Thí dụ một người đánh bắt cá với quan niệm chấp thủ là đó là những thứ trời sanh để nuôi con người nên sự đánh bắt cá  là chuyện “thiên kinh địa nghĩa” (tà kiến); còn có người đánh bắt cá đơn thuần vì sinh kế nên không hẳn là đi chung với tà kiến.

c.      Có tác động hay không có tác động. Có những tâm tham sanh khởi mau chóng hay mạnh mẽ do thói quen hay bản chất cố hữu đó là thứ tâm tham không có tác động. Trái lại có những thứ tâm tham sanh khởi do sự rũ rê hay xúi giục thì đó là tâm tham có tác động.

 Tám thứ tâm tham

 Do ba yếu tố kể trên tâm tham được chia thành tám thứ tâm:

 1.       Tâm tham thọ hỷ hợp tà vô trợ

(somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikam)

Là tâm ham muốn có phấn khích, đi chung với tà kiến, không cần tác động.

 2.       Tâm tham thọ hỷ hợp tà hữu trợ

(somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ sasaṅkhārikam)

Là tâm ham muốn có phấn khích, đi chung với tà kiến, sanh do tác động.

 3.       Tâm tham thọ hỷ ly tà vô trợ

(somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikam)

Là tâm ham muốn có phấn khích ,không đi chung với tà kiến, không cần tác động

 4.       Tâm tham thọ hỷ ly tà hữu trợ

(somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ sasaṅkhārikam)

Là tâm ham muốn có phấn khích ,không đi chung với tà kiến, sanh do tác động

 5.       Tâm tham thọ xả hợp tà vô trợ

(upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikam)

 Là tâm ham muốn  bình thản, đi chung với tà kiến, không cần tác động.

 6.       Tâm tham thọ xả hợp tà hữu trợ

(upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ sasaṅkhārikam)

 Là tâm ham muốn bình thản, đi chung với tà kiến, sanh do tác động.

 7.       Tâm tham thọ xả ly tà vô trợ

(upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikam)

 Là tâm ham muốn bình thản ,không đi chung với tà kiến, không cần tác động

 8.       Tâm tham thọ xả ly tà hữu trợ 

(upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ sasaṅkhārikam)

 Là tâm ham muốn bình thản ,không đi chung với tà kiến, sanh do tác động

 Người học cần chiêm nghiệm 8 thứ tâm tham trên với những thí dụ trong cuộc sống hằng ngày mới có thể phân biệt rõ. Ngài Narada dùng những thí dụ sau để nói về tám tâm tham:

 1) Một cậu bé bỗng dưng (không có sự xúi giục) ăn cắp trái táo một cách vui vẻ (đồng phát sanh với thọ hỷ), thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu (liên hợp với tà kiến).

 2) Có bạn xúi giục, một cậu bé vui vẻ ăn cắp một trái táo, thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu.

 3) Một cậu bé bỗng dưng ăn cắp trái táo một cách vui vẻ, biết rằng việc làm ấy là xấu (không liên hợp với tà kiến).

 4) Có bạn xúi giục, một cậu bé vui vẻ ăn cắp trái táo, biết rằng việc làm ấy là xấu.

 5) Một cậu bé bỗng dưng ăn cắp trái táo một cách thản nhiên (tức ăn cắp với thọ xả, không vui không buồn lúc ăn cắp) thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu.

 6) Có bạn xúi giục, cậu bé thản nhiên ăn cắp trái táo, thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu.

 7) Một cậu bé bỗng dưng ăn cắp trái táo một cách thản nhiên, biết rằng việc làm ấy là xấu.

 8) Có bạn xúi giục, một cậu bé thản nhiên ăn cắp trái táo, biết rằng việc làm ấy là xấu.

(Vi Diệu Pháp Khái Luận, Narada, bản dịch của Phạm Kim Khánh)

 

Hai từ vựng tham(lobha) và ái (tanha) là hai thuật ngữ được dùng “chồng tréo” trong Phật học. Ái là thuộc tánh tham; là tập đế hay nguyên nhân của đau khổ; thường được dùng với ý nghĩa “đậm đặt”. Tham thường mang ý nghĩa phổ quát trên bình diện rộng; trong Phật thường dùng là tâm tham, tâm tham ái, tâm ái dục, tâm ái chấp nhưng không nói ngắn là tâm ái.

 Chấp ngã  có thể là mạn cũng có thể là tà kiến. Trong Thắng Pháp thì tà kiến và ngã mạn không bao giờ đi chung trong một sát na tâm. Ngã mạn chỉ có trong bốn tâm tham ly ta (không đi với tà kiến). Nếu chỉ nói chấp ngã thì khó phân là thuộc tà kiến hay mạn. Một người nghĩ mình là “chén kiểu” người khác là “chén sành” nên không thèm đôi co đó là mạn nhưng không là tà kiến. Một người chấp sắc uẩn là ta, ta là sắc uẩn là thân kiến thuộc tà kiến. Cả hai đều là ý niệm về cái ta – hay chấp ngã - nhưng phải phân định rõ ràng.


Chữ sasaṅkhārikam thường được dịch là hữu trợ, hoặc hữu dẫn, hay “bị xúi giục” đều mang ý nghĩa tương đối. Một người muốn ăn cắp đồ gì đó nhưng e ngại phải suy nghĩ một lúc mới ra tay thì là sasaṅkhārikam không nhất thiết phải có ai xúi giục hay có sự hỗ trợ. Nên hiểu là có tác động chứ không sanh khởi lập tức.


Trong sở thích về trang phục có người thích nhiều màu sắc sặc sỡ, có người chuộng màu đơn điệu tối giản. Cả hai đều có dính mắc chứ không có nghĩa là chỉ có người thích nhiều màu sắc mới có ham muốn. Tâm tham là một trạng thái dính mắc đối lập với vô tham. Vô tham được thí dụ như lá sen với nước: tiếp xúc nhưng không lưu lại.  Bất cứ sự dính mắc nào cũng là biểu lộ của tham.


Tâm tham là tâm dính mắc đối với cảnh.

 Có tám tâm tham được phân do ba yếu tố: phấn khích hay không phấn kích; đi chung hoặc không đi chung với tà kiến; có tác động hay không có tác động.

 Tham ái là một đề tài lớn trong Phật học. Ái dục trong duyên khởi hay trong tứ đế đều là đề tài quan trọng.

Tám thứ tâm tham:

Tâm tham trong biểu đồ chư pháp:



Bài học trước là: Những Tâm Bất thiện

Bài học tiếp theo sẽ là: Tâm Sân



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

       Thảo luận 1. Sự thưởng thức hay hưởng thụ trong cuộc sống có gọi là tham? Một người tri túc theo định nghĩa "bằng lòng với những gì mình có" thì sự bằng lòng đó có nằm trong phạm vi của tâm tham? - TT Pháp Đăng

        Thảo luận 2. Hiểu sai thí dụ thấy con rắn mà tưởng là sợi dây có gọi là tà kiến chăng? - TT Tuệ Quyền 
    
T      Thảo luận 3. Một người ban đầu không muốn đi lấy hàng hoá từ một chiếc xe bị tai nạn nhưng sau khi nhiều người rủ rê thì cũng đi. Khi tới hiện trường thì thấy nhiều thứ giá trị nên nhanh chóng "nhập cuộc". Tâm tham của người đó là hữu trợ hay vô trợ? - ĐĐ Pháp Tín

       Thảo luận 4. Xin giải rõ sự đồng dị của hai từ vựng tham(lobha) và ái (tanha) - TT Pháp Đăng

       Thảo luận 5.Bài học có đoạn: Trong sở thích về trang phục có người thích nhiều màu sắc sặc sỡ, có người chuộng màu đơn điệu tối giản. Cả hai đều có dính mắc chứ không có nghĩa là chỉ có người thích nhiều màu sắc mới có ham muốn. Tại sao ưa chuộng sự đơn giản cũng gọi là tham? - TT Tuệ Quyền

        Thảo luận 6. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận 

 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment