GIÁO TRÌNH THẮNG PHÁP ABHIDHAMMA -HƯỚNG DẪN BÀI HỌC
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
Nên hiểu Abhidhamma là gì?
Pháp Âm link:
http://www.phapluan.net/PhapAm_2020/Thang_6/18-6-2020_ThangPhap_Abhidhamma_Bai1_TTGiacDang.mp3
Abhidhamma là một trong ba bộ phận của kinh điển Phật giáo. Abhidhamma trình bày các pháp như hiện tượng giới nằm ngoài cái nhìn thường thức giống như một số bộ môn khoa học ngày nay. Một điểm tương tự khác so với khoa học là Abhidhamma đòi hỏi sự chính danh và chính xác khi nêu lên các pháp bởi vì khi kết hợp không thể nhầm lẫn cái nầy với cái kia. Và bộ môn kinh điển nầy là một hệ thống tinh vi mà người học cần học liên tục theo cách giáo dục trường lớp chứ không thể học từng phần nhỏ riêng biệt rời rạc.
Thuật ngữ Abhidhamma gồm tiếp đầu ngữ abhi nghĩa là vi diệu, thù thắng, tế nhị, thâm sâu; dhamma là pháp một danh từ nhiều nghĩa sẽ được giảng rộng trong bài học số 6.
Có nhiều chữ dịch của Abhidhamma. Được dịch là Vi Diệu Pháp, Vô Tỷ Pháp, Thắng Pháp. Y cứ trên ngữ nghĩa người ta có thể hiểu hàm ý là pháp nầy cao siêu, vi diệu, thù thắng hơn Kinh Tạng và Luật Tạng. Cách hiểu nầy có phần bất cập. Cách tốt nhất là nên học căn bản môn Abhidhamma trước khi quan niệm đó là gì.
Các học giả Trung Hoa khi gặp những từ vựng khó chuyển ngữ thường chọn cách phiên âm do vậy có danh từ A Tỳ Đàm.
Cũng có nhiều người gọi Tạng Abhidhamma là Luận Tạng (Kinh, Luật, Luận). Đây là cách hiểu theo Phật giáo Bắc Truyền (Kinh do Phật thuyết, Luận do bồ tát viết). Cách gọi nầy không dùng được ở đây.
Giáo trình nầy chọn cách gọi Thắng Pháp Abhidhamma. Thắng pháp là pháp được trình bày theo hệ thống phân tích hiện tượng giới. Chữ Abhidhamma giữ nguyên thay vì phiên âm là A Tỳ Đàm để gần với nguyên thủy hơn.
Đôi khi môn học Abhidhamma được dịch là Vi Diệu Pháp hay Vô Tỷ Pháp không nên hiểu là môn nầy cao còn Kinh Tạng hay Luật tạng là thấp.
Cũng không nên quan niệm rằng Abhidhamma là môn học cao siêu do vậy khi học được môn nầy thì không cần học Kinh Tạng và Luật Tạng. Mỗi bộ phận của giáo pháp có lợi lạc khác nhau. Dùng giá trị của bộ môn nầy phủ nhận hay xem thường bộ môn khác là một đều sai lầm.
Nền giáo dục ngày nay phân chia các môn học thành hai nhóm là nhân văn (humanity) bao gồm ngôn ngữ, triết học, văn học… và khoa học (science) bao gồm các ngành toán học, vật lý, hoá học… Mỗi lãnh vực có phương pháp riêng và lợi ích riêng. Người ta có thể thích hay không thích môn nầy hay môn kia nhưng không phải vị vậy mà phủ nhận giá trị của môn mình không thích. Sự nghiên cứu Phật Pháp qua Kinh Tạng hay Thắng Pháp Tạng cũng mang ý nghĩa tương tự.
Có ba cách phân loại kinh điển Phật giáo:
Cửu phần giáo pháp là cách phân loại giáo pháp có thời Đức Thế Tôn trụ thế: Khế kinh (Sutta), Ứng tụng (Geyya), Ký thuyết (Veyyākaraṇa), Kệ ngôn (Gāthā), Cảm hứng ngữ (Udāna), Như thị thuyết (Itivuttaka), Bổn sanh (Jātaka), Vị Tằng Hữu (Abbhūtadhamma), Phương Quảng (Vedalla). Thắng pháp Abhidhamma nằm trong Ký thuyết (Veyyākaraṇa)
Pháp và Luật (dhammavinaya) là cách gọi chung giáo pháp của Đức Phật. Kinh Tạng và Thắng pháp Abhidhamma nằm trong “pháp -dhamma”
Tam Tạng là cách hệ thống hoá giáo pháp trong kỳ kết tập kinh điển ba tháng sau khi Đức Phật viên tịch: Luật Tạng, Kinh Tạng, Thắng Pháp Tạng.
Một thí dụ về đồ biểu học Abhidhamma
Bài học tiếp theo sẽ là: Những Khái Niệm Cần Làm Quen Trước Khi Học Thắng Pháp Abhidhamma
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment