Friday, August 14, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 3 - Cách học Thắng Pháp Abhidhamma

                                                       Thắng Pháp Abhidhamma

Giảng sư: TT Tuệ Siêu

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma NGÀY  25/6/2020 
Bài 3
Cách học Thắng Pháp Abhidhamma

Pháp Âm Link:

http://www.phapluan.net/PhapAm_2020/Thang_6/25-6-2020_ThangPhapAbhidhamma_Bai3CachHocThangPhap_TTTueSieu.mp3

Thắng Pháp Abhidhamma là một ngành trong Phật học mà phương pháp học quan trọng như những gì được học. Không nắm vững cách học chẳng những khiến môn nầy trở nên khó hiểu, khó nhớ mà còn khiến người học dễ bỏ cuộc. Đa số người học Thắng Pháp Abhidhamma tại các quốc gia Phật giáo như Miến Điện, Tích Lan… không đặt ra vấn đề có hiểu rõ bài học hay không trong thời gian đầu mà chỉ tập trung để hiểu từ vựng và nằm lòng chi pháp trong thời gian đầu. Cái hiểu tổng quan sẽ hiện ra dần dà khi đào sâu vào môn học. Những người tự học hay ưa thích nghiên cứu thường gặp trở ngại là lấy cách học của Kinh Tạng để áp dụng vào cách học của Thắng Pháp Tạng. Thí dụ giáo lý duyên khởi trong Kinh Tạng có thể được hiểu qua vài bài kinh nhưng trong Thắng Pháp Tạng thì phải học toàn bộ chương trình sơ đẳng mới có thể hiểu khi đi vào duyên sinh, duyên hệ.

Một đặc điểm của Thắng Pháp Abhidhamma là sự rõ ràng, rạch ròi trong sự trình bày cách pháp. Nếu trong cách học và hiểu mang tánh “nhập nhằng” đó là điều nên tránh khi đi vào môn học nầy. Điều nầy được thể hiện rõ ràng khi đề cập đến từng pháp thì nêu rõ tướng trạng, chức năng, vai trò, yếu tố tác thành. Nếu không lưu tâm những điểm nầy rất dễ lầm lẫn cái nầy với cái kia.
Ví dụ
Thắng Pháp Abhidhamma dạy nhiều khái niệm mới lạ và tế nhị. Phải dùng nhiều thí dụ để có thể hiểu rõ những điểm khó hiểu đó. Thí dụ khi người học được nghe về diễn trình của tâm thức thì thường được nghe thí dụ người nằm ngủ dưới gối xoài. Dùng hình ảnh quen thuộc để minh hoạ cho những khái niệm khó hiểu là điều rất thường thấy trong Phật học, đặc biệt, là môn Thắng Pháp. Người hướng dẫn càng nhiều thí dụ thì người học càng mau chóng lãnh hội.

Những con số và con số
Một điều khiến người học Thắng Pháp Abhidhamma phải vận dụng nhiều trí não là nhớ những con số. Trong Kinh Tạng có pháp số nếu đôi khi nhớ sai sót thì khi không có vấn đề lớn nhưng trong Thắng Pháp Tạng thì nhớ sai hoặc dư thiếu sẽ có vấn đề lớn. Điều nầy giống như khi chưng một bình hoa mà thiếu hoa nầy lá kia thì có thể gia giảm nhưng ráp một bộ máy mà thiếu bộ phận nhỏ có thể khiến bộ máy không làm hoạt động.

Những thẻ nhớ
Một trong những cách học tốt nhất của môn Thắng Pháp là sử dụng các thẻ nhớ (flash card) để tóm lược những ý chính của từng bài học hay từng pháp. Những ghi chú ngắn gọn sẽ giúp người học dể nhớ và chú ý những điểm quan trọng. Ngài Tịnh Sự cũng thường dùng những thẻ nhớ nầy (Ngài gọi là kinh thẻ) để trình bày những pháp cho cả Tam Tạng.

Đại nghi đại ngộ
Trong ngành giáo dục người ta thường nói nói đến sự học hỏi. Học mà không hỏi thường là học thụ động không thu thập nhiều. Chịu hỏi, biết chỗ nên hỏi và khéo hỏi là chìa khoá để đào sâu vào Thắng Pháp Tạng. Không có gì ngạc nhiên nhiều tư liệu Thắng Pháp  được trình bày trong hình thức vấn đáp (catechism).

Quy nạp và chiết trung
Thắng Pháp Abhidhamma trình bày hiện tượng giới trong hình thức phân tích (vibhanga). Do đặc điểm nầy từ cái nhìn tổng quát chia chẻ thành những phần nhỏ rồi từng chi pháp. Cũng từ những đơn vị cực vi tổng hợp trở thành những tiêu đề lớn. Cách nầy rất có lợi để người học nắm được rõ ràng những ý nghĩa chồng lấn thí dụ pháp hữu vi có hai là danh pháp và sắc pháp, danh pháp có tâm và thuộc tánh, tâm có hiệp thế và siêu thế. Như vậy dù là tâm “siêu thế” những vẫn là pháp hữu vi. Ý nghĩa đó rất quan trọng trong Phật học.

Mātikā – tiêu đề là những thể tài hay phạm trù nhận dạng của các pháp. Ngài Tịnh Sự cũng dịch là “mẫu đề” nghĩa là thể loại hàm chức nhiều chi pháp. Trong Thắng Pháp Tạng Mātikā là những phạm trù để phân chia chư pháp thí dụ pháp thiện, pháp bất thiện, pháp vô ký hay pháp nhân, pháp quả, pháp phi nhân phi quả. Mātikā được xem là bộ sườn của Thắng Pháp Tạng. Trong thời kỳ giáo pháp được tuyên lưu qua hình thức truyền khẩu thì những Mātikā đặc biệt quan trọng. Chính vì điểm nầy nhiều học giả Tây phương và những vị không đào sâu vào môn Thắng Pháp thường tuyên bố Thắng Pháp Tạng là một khai triển hậu thời bắt nguồn từ những Mātikā cổ xưa.

Người học Thắng Pháp nên rất cẩn thận với từ vựng. Dù là trong Phạn ngữ, Hán ngữ hay Việt ngữ thì danh từ trùng lặp rất nhiều. Sắc (rùpa) nghĩa là những gì mắt thấy mà cũng có nghĩa là vật chất; tâm, ý, thức đôi khi hiểu chỉ là là một mà cũng có nghĩa khác biệt tuỳ ngữ cảnh. Ngay chính trong Thắng Pháp việc sử dụng từ vựng cũng dễ bị hiểu lầm nếu không cẩn thận.

 
Một người lái xe không nhất thiết đòi hỏi phải hiểu rõ máy móc và cách sửa chữa như một thợ máy. Tuy nhiên nếu lái xe mà biết rõ về cách vận hành máy móc thì có rất nhiều lợi điểm. Điều nầy tương tự như khi tu tập không nhất thiết phải có kiến thức của Thắng Pháp Tạng nhưng có vốn liếng kiến thức về môn nầy thì rất dễ dàng để hiểu rõ Phật Pháp dạy gì về vô thường, khổ, vô ngã.

Học Thắng Pháp Abhidhamma cần dùng trí nhớ để theo dõi bài học vì tất cả đề tài đều tương quan mật thiết. Nhớ càng nhiều hiểu càng mau.
Thắng Pháp Abhidhamma trình bày các pháp với sự phân định rõ ràng. Hiểu mơ hồ thường là vấn đề lớn.
Sự tương quan giữa các pháp là trọng điểm mà người học cần chú ý. Danh sắc và lục nhập rất dễ định nghĩa nhưng hiểu tại sao danh sắc duyên lục nhập mới là điểm quan trọng.

Để người học dễ nắm bắt ý nghĩa đại quan và chi tiết được trình bày trong Thắng Pháp, Ngài Tịnh Sự chế tác ra biểu đồ chư pháp mà Ngài gọi là Bảng Nêu Chi Pháp


Bài học trước là: Cách học Thắng Pháp Abhidhamma 
Bài học tiếp theo sẽ là: Thắng Pháp Tạng trong Tam Tạng



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành



   Thảo luận 1. Xin giải thích Màtikà là gì? một số học giả cho rằng Thắng Pháp Tạng là một khai triển từ những Màtikà nguyên thuỷ, điều nầy có chính xác chăng? - TT Tuệ Siêu 

     Thảo luận 2. Cách trình bàytheo tám thức (bát thức quy củ tụng) so với cách trình bày bốn pháp chân đế (siêu lý) có những lợi điểm nào trên phương diện so sánh? - TT Tuệ Siêu 

    Thảo luận 3. Phải chăng thuật ngữ Abhidhamma trong Phật học Việt Nam rất cần từ vựng Hán Việt? - TT Tuệ Siêu 

     Thảo luận 4. Phải chăng học Abhidhamma bắt buộc phải chấp nhận sự khô khan của môn nầy? - TT Tuệ Siêu

   Thảo luận 5. Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma dạy online như trong Lớp Phật Pháp Buddhadhamma có nên giới hạn trong thời gian nào đó như một hay hai năm? - TT Tuệ Siêu

      Thảo luận 6. TT Giác Đẳng đúc kết phần bài học

     
     


 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment