Bài 19
Tâm Si (Mohamulācitta)
Tâm Si - mohacitta - được hiểu là tâm có chất liệu khiến sự nhận thức mê mờ, không chính xác. Thắng Pháp Abhidhamma nêu rõ sự khác biệt giữa tâm ly trí (không có trí tuệ) và tâm si (đi với thuộc tánh si ám). Có thể thí dụ tâm ly trí giống như trong một căn nhà bình thường lúc nào đó không có người tài năng xuất chúng nhưng vẫn có thể tồn tại bình thường. Còn tâm si giống như trong nhà có người hay làm việc dại dột có thể tạo nên nhiều thứ bất thường như tai hoạ chẳng hạn.
Tâm si và thuộc tánh si
Tất cả tâm si đều có thuộc tánh si – và rõ hơn là bốn thuộc tánh si phần. Thế nhưng vai trò của thuộc tánh si lại có mang tánh cách đặc biệt hơn tâm si. Nếu so với tâm tham (sự dính mắc với cảnh) hay tâm sân (sự khó chịu đối với cảnh) thì hai tâm si tương đối trong tình trạng bị động với thọ xả. Trong lúc thuộc tánh si chính là vô minh (avijjà) có mặt trong tất cả tâm bất thiện và chi phối tất cả hành động tạo tác thiện ác tạo nên quả luân hồi. Rất cần thiết để phân rõ sự khác biệt giữa tâm si và thuộc tánh si.
Hai thứ tâm si
Thắng Pháp Abhidhamma nêu hai thứ tâm si:
1. Tâm si nghi hoặc thọ xả (upekkhāsahagataṃ vicikicchāsampayuttaṃ)
2. Tâm si giao động thọ xả (upekkhāsahagataṃ uddhaccasampayuttaṃ)
Tâm si nghi hoặc (vicikicchāsampayuttaṃ) là trạng thái tâm trù trừ (có lẽ chính xác nhất là chữ “lừng khừng” trong cách nói bình thường. Có thể thí dụ như một người cầm một thực đơn viết bằng ngoại ngữ bản thân không đọc được. Thay vì cứ chọn một thứ hay đứng dây đi nơi khác tìm thức ăn mình biết hơn thì cứ ngồi đó lật qua lật lại không biết chọn món nào mặc dù có đọc thêm 10 phút trong sự lưỡng lự cũng không giúp ích gì.
Phải lưu ý hai điều ở đây.
Thứ nhất nhiều bản dịch Việt gọi là tâm si hoài nghi. Chữ hoài nghi không nhất nói chính xác ý nghĩa của tâm si nầy và cũng không hẳn là bất thiện. Nghe một người hay nói dối chuyển thông tin gì đó nên thấy hoài nghi (hay hồ nghi). Trạng thái đó không gọi là tâm si nghi hoặc mà chỉ là sự không cả tin đối với điều đáng cân nhắc. Cũng có thể là thứ trí tuệ. Chính vì vậy giáo trình nầy chọn chữ nghi hoặc.
Thứ hai, nhiều quyển sách và giáo trình định nghĩa tâm si nghi hoặc là sự hoài nghi Tam Bảo, hoài nghi nghiệp báo, hoài nghi tam thế (…). Định nghĩa như vậy rất hạn hẹp. Một người không biết gì về Tam Bảo, nghiệp báo, luân hồi nên chưa bao giờ có hoài nghi gì nhưng không có nghĩa là không có tâm si hoài nghi. Những nghi hoặc về Tam Bảo, nghiệp báo, luân hồi là tâm si nghi hoặc nhưng tâm si nghi hoặc không phải chỉ có chừng đó.
Tâm si giao động (uddhaccasampayuttaṃ) là tâm bị nhiễu loạn trước cảnh thí dụ như trong một gia đình thiếu kiến thức, tiền bạc, thân thế khi gặp chuyện lớn hay nhỏ thường “lao xao” thiếu sự điềm đạm, vững chãi.
Chữ uddhacca được Ngài Tịnh Sự dịch là phóng dật; Hoà thượng Minh Châu dịch là trạo cữ. Từ ngữ phóng dật trong chữ Hán (dù là cổ văn hay kim văn) đều mang ý nghĩa là ý nghĩa là là sự buông thả, giãi đãi, dễ ngươi (đôi khi cũng gọi là dễ duôi). Từ ngữ phóng dật được HT Thích Minh Châu dùng để dịch cho thuật ngữ pamāda. Ngài Tịnh Sự giải thích hai chữ phóng dật và trạo cữ đều dịch theo “nghĩa dụ”: phóng là ném, dật là tung giống như đống tro bị hòn đá ném vào tung toé tro bụi; trạo cữ là mái chèo khua động khiến mặt hồ giao động. (Rất tiếc không tìm thấy được định nghĩa nầy ở trong các sách đã đọc). Cả hai đều chỉ cho sự giao động, một từ ngữ quen thuộc với phần đông nên chọn chữ nầy.
Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều trường hợp chúng ta thiếu kiến thức về lãnh vực nào đó khi nghe ai nói tới đề tài liên hệ thì hiểu một cách mơ hồ cái đó không phải do tâm si hay người như vậy không phải là người u mê. Có những lúc tâm không có trí tuệ nhưng không phải là tâm si như nước thiếu chất khoáng nào đó. Tâm si giống như nước bị mờ đục vì pha bùn rất khác với nước trong mà thiếu chất khoáng (…)
Tâm si thường được hiểu là sự u mê thiếu trí tuệ. Định nghĩa như thế có thể không đúng theo Thắng Pháp. Đó là thứ tâm mờ đục vì nghi hoặc hay giao động. Câu chuyện sau đây, trích từ quyển Cổ Học Tinh Hoa của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhân là một thí dụ nên cẩn trọng với đề tài nầy:
A Lưu là một tên tiểu đồng nhà ông Chu Nguyên Tố. Nó thực là ngây ngô, không được việc gì cả, mà ông Nguyên Tố vẫn nuôi nó suốt đời.
Lúc ông bảo nó quét nhà, nó cầm chổi quanh quẩn suốt buổi mà không sạch được một cái buồng con. Ông giận mắng, thì nó quăng chổi xuống đất, lẩm bẩm nói: "Ông quét giỏi, thì ông phiền tôi làm gì!"
Khi ông đi đâu vắng, sai nó chực ngoài cửa, dù khách quen đến, nó cũng không nhớ được tên ai. Có hỏi, thì nó nói: "Người ấy lùn mà béo. Người ấy gầy mà lắm râu. Người ấy xinh đẹp. Người ấy tuổi tác và chống gậy..." Ðến lúc nó liệu chừng không nhớ xuể, thì nó đóng cửa lại, không cho ai vào nữa.
Trong nhà có chứa một ít đồ cổ như chén, lọ, đỉnh, đôn. Khách đến chơi, nó đem bầy ra cho xem. Lúc khách về, nó lén đến gõ các thứ ấy, mà nói: "Những cái này có khi bằng đồng mà sao nó đen xì lại như thế này!" Rồi nó chạy đi lấy cát, lấy đá, lấy nước để đánh.
Nhà có cái ghế gãy chân, ông sai đi chặt cành cây có chạc, để chữa lại thì nó cầm búa, cầm cưa đi khắp vườn. Hết ngày, về, nó chìa hai ngón tay làm hiệu mà nói: "Cành cây có chạc đều chỉa trở lên cả, không có cành nào mọc chúc xuống đất." Cả nhà ai cũng phải phì cười.
Trước sân có vài cây liễu mới trồng. Ông sợ trẻ láng giềng đến nghịch hỏng, sai nó trông nom giữ gìn, đến lúc nó vào ăn cơm, thì nó nhổ cả cây lên mà cất đi một chỗ.
Công việc nó làm, nhiều chuyện đáng bật cười như thế cả.
Ông Nguyên Tố là một người viết chữ chân tốt mà vẽ lại giỏi lắm. Một hôm, ông hòa phấn với mực để vẽ, thấy A Lưu đấy, nói đùa với nó rằng: "Mày có vẽ được không?"
A Lưu đáp: "Khó gì mà không vẽ đươc." Ông bảo vẽ thì A Lư vẽ nét đậm, nét nhạt, nét xa, nét gần, như người xưa nay vốn đã biết vẽ. Ông thấy vậy thử luôn mấy lần, lần nào A Lưu vẽ cũng được như ý cả.
Tự bấy giờ, ông dùng đến A Lưu luôn không lúc nào là rời ra nữa. Sau A Lưu nổi tiếng là một nhà danh họa.
Tâm si là thứ tâm mờ đục nên không nhận rõ sự việc
Có hai thứ tâm si là tâm si nghi hoặc và tâm si giao động.
Hai tâm si không có vai trò sâu rộng như thuộc tánh si (tức vô minh)
Tâm si trong biểu đồ chư pháp:
Bài học trước là: Tâm Sân
Bài học tiếp theo sẽ là: Tâm Thiện Đa Nhiệm
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment