Bài 28
Tâm Đạo (Maggacitta)
Tâm siêu thế - lokuṭṭaracitta – có hai thứ: tâm đạo (maggacitta) và tâm quả (phalacitta).
Chữ đạo - magga – trong tâm đạo là một đề tài lớn trong Phật học và tôn giáo Đông phương.
Chữ “đạo” có nghĩa đen là con đường. Các học giả đồng ý là thuật ngữ nầy được văn học Sanskrit dùng với chữ mārga có thể xem là cổ xưa nhất. Hơn 25 thế kỷ trước Đức Phật dùng chữ nầy với ý nghĩa mang nhiều khác biệt. Trong văn hoá Ấn, cụ thể hơn là Bà la môn giáo, mārga hay đạo dùng để chỉ cho phương pháp tu hành để thành tựu quả chứng nào đó thí dụ pháp khổ hạnh hoặc pháp du già được xem là mārga. Hãy thử tìm hiểu một số khía cạnh sau để thấy sự khác biệt giữa Phật giáo và Bà la môn giáo trong ý nghĩa của chữ magga (đạo)
Con đường dẫn tới hòn núi nhưng hòn núi không phải là thành quả của con đường
Trong ý nghĩa uyên nguyên, đạo là con đường. Hướng đi vượt thoát đó dẫn đến liễu chứng níp bàn (hay niết bàn) nhưng níp bàn tuyệt đối không phải là sở tạo của đạo do ba ý nghĩa: Cái gì bị tạo thì cái đó nằm trong định lý “có sanh ắt có diệt” trong lúc níp bàn là vô vi; thứ đến tất cả sản phẩm đều nằm trong hữu hạn của sáng tạo chủ vì vậy nếu níp bàn là quả của tâm đạo thì không thể hơn vượt khỏi hạn cuộc của tâm đạo; sau cùng níp bàn vượt khỏi tất cả phạm trù của thiện ác, nhân quả, thời gian không gian, trạng thái nầy không thể là sở tạo của tất cả những gì thuộc hữu vi pháp.
Tâm đạo là đích điểm chí thiện nhưng không phải là con đường hành thiện
Trong Bà la môn giáo (tức là nói đến văn học Sanskrit) thì đạo có nghĩa là phương pháp tu hành, nói cách khác là tu thân hành thiện. Ý nghĩa đó hoàn toàn khác với những gì đề cập ở đây. Tâm đạo không phải là tâm tu tập mà là kết tinh của sự tu tập. Thắng pháp Abhidhamma gọi tâm đạo là tâm thiện siêu thế (lokuttarakusalacitta). Đây là trạng thái chí thiện. Một vị sau khi đoạn tận phiền não không còn sống trong phạm trù thiện ác.
Tâm đạo, nói cho đủ, là tâm kết tinh tổng lực của tám chi đạo
Nếu phải định nghĩa chính xác thì tâm đạo là tâm kết tinh của tám chi đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Tám pháp nầy được huân tu trong hành trình tu tập là một hình thái khác (…) nhưng khi kết tụ trong tâm đạo là một thể hiện trọn vẹn của những tố chất vi diệu nhất. Thí dụ như một người đàn ông lịch lãm xuất hiện trong một dạ hội tự thân toát ra tư cách, phẩm chất, kiến văn, cung cách cao quý. Tất cả những tố chất đó là sự thể hiện hài hoà chứ không còn trong giai đoạn trau giồi.
Một khoảnh khắc thôi đã là quá đủ
Điều kỳ lạ nhất trong Phật học, và trong Thắng Pháp Tạng, là danh gọi các con người thánh đức là những người sơ đạo, người nhị đạo, người tam đạo, người tứ đạo. Những “chúng sanh” đó chỉ hiện hữu trong một sát na (một tích tắc có một ngàn tỷ sát na) vậy thì tại sao phải kể là một người, một bậc như bốn đôi, tám vị hay tứ song bát bối?
Câu trả lời đơn giản: là vì trong sát na ngắn ngủi ấy hoàn toàn không giống con người trước kia và sát na đó mãi mãi không tái diễn sau nầy. Nhưng bật đèn sáng lên trong đêm có giây phút “rất ban sơ” được gọi là “xua tan bóng tối” rất ngắn ngủi. Từ đó trở đi không còn gọi là xua tan bóng tối mà chỉ là tiếp tục sáng. Tuy khoảnh khắc ấy rất ngắn nhưng hiệu ứng vô cùng.
Chặt đứt những cột trói vô hình
Có 10 thứ phiền não được xem là giây cột trói hay kiết sử là: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái, sân, sắc ái, vô sắc ái, mạn, phóng dật và vô minh. Khi tâm đạo sanh khởi cùng lúc xẩy ra hai hiện tượng là: giác ngộ và giải thoát. Giác ngộ ở đây là chứng tri níp bàn. Giải thoát là chặt đứt giây kiết sử. Tuy hai sự việc có khác nhưng xẩy ra cùng lúc thí dụ nghe người ta đồn đại có loại hoa rất quý rất đẹp đang nở trong khu rừng. Nghe vậy trong lòng có chút nghi hoặc: Đẹp là sao? Quý là sao? Nhưng khi đến khu rừng vừa thấy đoá hoa đồng lúc nghi hoặc tan biến.
Chữ Đạo Phật thường được dùng để hiểu như nếp tín ngưỡng theo lời Phật dạy. Chữ đạo đó đồng nghĩa với tôn giáo. Mặc dù có xuất phát từ chữ magga nhưng đã hiểu rất khác với ý nghĩa nguyên thuỷ. Tại các quốc gia Phật giáo Nam truyền người ta thường dùng chữ Buddhasàsana (Phật giáo) hơn là dùng chữ Đạo Phật. Người Tây Phương dùng chữ Buddhism là lối dịch thiếu hiểu biết từ lúc mới tiếp xúc với văn hoá phương. Nếu Ki Tô Giáo được gọi là Christianity mà Phật giáo dùng tiếp vĩ ngữ _ism thật là có vấn đề. Ngay cả trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam chữ đạo ban đầu dùng chỉ cho Đạo Lão (Taoism) sau nầy người ta dùng cho ý nghĩa “nếp tín ngưỡng tôn giáo” như đạo Cao Đài, đạo Tin Lành. Khôi hài nhất là ở Việt Nam những người theo Thiên Chúa Giáo La Mã (Catholic) gọi là “người theo đạo hay có đạo” (thoạt nghe thì người theo tôn giáo khác là “ngoại đạo” hay “vô đạo”)
Thuật ngữ “đạo - marga” tại Ấn Độ được biết từ thời rất xa xưa khi các kinh điển Veda xuất hiện. Như vậy phải chăng thuật ngữ nầu phát xuất từ cội nguồn thiên trúc? Rất dễ để kết luận như vậy. Tuy nhiên Lão Tử viết Đạo Đức Kinh khi Phật giáo chưa truyền sang Trung Quốc (nhiều sử gia tin rằng Lão tử sanh sau Khổng tử và sanh trước Mạnh tử. Đây vẫn là vấn đề tồn nghi). Điều là lùng là cách Lão tử nói về “Đạo” rất có nhiều điểm giống với Tam Tạng Pàli như cứu cánh là vô vi, không nằm trong sự diễn tả của ngôn từ (đạo khả đạo phi thường đạo), đạo là cảnh giới cao nhất của minh triết. Tại sao có nhiều điểm trùng khớp vậy. Để giải thích cần nhiều dẫn chứng (…) Những học giả Tây Phương sau nầy tỏ ra không ngoan hơn không dịch chữ Đạo mà viết theo âm “Tao”. Hiểu đúng hay sai là trách nhiệm của người đọc.
Có những lúc chúng ta tìm một món đồ gì đó bị thất lạc. Càng tìm càng cố nhớ thì tìm không ra. Sau cơn bực bội chuyển sang làm việc khác tâm trí trở nên thanh thản rồi bất chợt nhìn thấy món đồ nằm sờ sờ trước mắt. Sự giác ngộ níp bàn đôi khi đến bất chợt không thông qua kiến văn quảng bác hay lý luận logic. Chỉ thấy và biết.
Tâm đạo trong định nghĩa cô đọng nhất là tâm có tám “chi đạo”
Tâm đạo có hai hiệu ứng cùng lúc là “giác ngộ níp bàn và giải thoát sự cột trói của kiết sử.
Chữ “đạo” được dùng phổ thông ngày nay như là nếp tín ngưỡng mang ý nghĩa rất xa với chữ đạo ở đây. Người học Phật cần cẩn thận về điều nầy.
Tâm Đạo- maggacitta- trong biểu đồ chư pháp:
Bài học trước là: Tâm Siêu Thế
Bài học tiếp theo sẽ là: Các Thứ Tâm Đạo
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
T
Thảo luận 1.Tại sao tâm sơ đạo “biết cái chưa từng biết” lại có thuộc tánh TƯỞNG (biết do kinh nghiệm từng biết)? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Tại sao các tâm quả như sơ quả, nhị quả, tam quả cũng chứng tri níp bàn nhưng không tạo hiệu ứng chặt đứt kiết sử như các tâm đạo? - TT Tuệ Siêu
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment